Gai cột sống là bệnh xương khớp khá phổ biến, không chỉ gây khó chịu, đau đớn mà còn dễ để lại nhiều di chứng về sau. Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng của bệnh, từ đó áp dụng các cách chữa trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
1. GAI CỘT SỐNG LÀ GÌ?
Gai cột sống là một loại bệnh của thoái hóa cột sống, xảy ra khi các gai xương hình thành tại khu vực giao nhau của các đốt cột sống.
Gai xương có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên xương sống của cơ thể nhưng thông thường hay nhất là ở cổ và lưng. Bệnh thường gây ra cảm giác đau ở vùng thắt lưng, vai hay cổ do gai chèn ép vào dây thần kinh, thậm chí có thể làm hạn chế vận động những vùng bị ảnh hưởng.
Gai cột sống ở cổ
Đối với vị trí này, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không có những triệu chứng rõ ràng. Bệnh chỉ được phát hiện thông qua phim X-quang với các biểu hiện như: chiều cao đĩa đệm giảm, xuất hiện những mẩu xương bị mọc ra, đốt sống mọc gai trắng và bị xơ cứng.
Gai cột sống thắt lưng
Thắt lưng là vị trí dễ bị thoái hóa nhất do bộ phận này phải nâng đỡ và chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể. Bởi vậy, người bệnh khi bị gai cột sống thắt lưng sẽ cảm thấy đau khi chuyển động, cơ thể uốn cong, nâng người đều cảm thấy mức độ đau ngày một rõ rệt.
Vậy gai cột sống có nguy hiểm không? Theo Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng, gai cột sống không nằm trong nhóm bệnh có thể dẫn đến tử vong nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày, thậm chí bị nặng còn khiến người bệnh tê bì chân tay, mất khả năng vận động. Do đó, cần sớm có giải pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
2. TRIỆU CHỨNG GAI CỘT SỐNG
Khác với các bệnh khác, đối với gai cột sống, thời gian đầu người bệnh rất khó nhận biết hoặc dễ nhầm lẫn với đau lưng, đau vai… thông thường. Khi đã phát hiện bệnh thì thường phải nhờ đến các giải pháp chữa trị tốn kém và lâu dài. Do đó, khi có một số triệu chứng sau đây, người bệnh không nên loại trừ nguy cơ bị gai cột sống để có sự phát hiện kịp thời.
– Đau ở vùng cổ, thắt lưng, nhất là khi đứng hoặc di chuyển, đau nhiều hơn khi vận động và cảm thấy dễ chịu hơn khi nghỉ ngơi
– Đôi khi người bệnh sẽ bị mất cảm giác ở phần cột sống liên quan
– Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể đau tê ở cổ lan qua hai tay hoặc đau ở lưng dọc xuống hai chân
– Cơ bắp tay chân có thể yếu đi, cơ thể có cảm giác mất thăng bằng
– Những người bệnh đã diễn tiến nặng còn có thể bị mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện, thậm chí bị rối loạn thần kinh thực vật với các biểu hiện như: tăng tiết mồ hôi, suy giảm hô hấp hoặc biến chứng tăng huyết áp…
– Một số triệu chứng của bệnh khác: bệnh nhân rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, mất ngủ, buồn nôn, sụt cân…
3. NGUYÊN NHÂN GAI CỘT SỐNG
Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị gai cột sống, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:
Viêm xương khớp: Khi bị viêm xương khớp sẽ dẫn đến hiện tượng kích thích tế bào tạo thêm xương, từ đó dẫn tới việc xương thừa làm cho bề mặt xương nhô ra và hình thành gai.
Lắng đọng canxi: Nguyên nhân này thường xảy ra ở người cao tuổi, khi bị thoái hóa cột sống dẫn đến tích tụ canxi dưới dạng calcipyrophosphat. Quá trình thoái hóa làm mất nước (chiếm 80% thành phần tạo nên sụn) và biến đổi một số chất khiến sụn khớp dễ bị canxi hóa dẫn đến gai cột sống.
Chấn thương: Nhiều trường hợp bị chấn thương như va chạm, cọ xát, sức ép, trong quá trình hồi phục xương tự tu bổ cũng có thể dẫn đến tình trạng gai cột sống.
Thoái hóa cột sống: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra gai cột sống. Sự biến đổi hình thái về cột sống cùng các tổ chức xung quanh đĩa đệm có thể khiến gai xương hình thành và phát triển không loại bỏ được gai xương.
4. CÁC ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ BỊ GAI CỘT SỐNG
Một số đối tượng sau đây rất dễ bị bệnh gai cột sống “ghé thăm”:
– Nguy cơ tăng dần theo độ tuổi do sự lão hóa của cột sống và sự lắng đọng canxi. Do đó, những người lớn tuổi cần cẩn trọng trong chế độ sinh hoạt hằng ngày, bởi họ là đối tượng nguy cơ chính của bệnh.
– Người hay bốc vác nặng hoặc có thói quen đi đứng, vận động mạnh, ngồi học, nằm ngủ sai tư thế dễ gây ra tổn thương cho cột sống và dẫn tới bệnh.
– Người có tiền sử tai nạn, chấn thương, có tổn thương ở sụn khớp
– Người bị viêm cột sống mãn tính
– Người thừa cân, hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích… cũng làm tăng nguy cơ bị gai cột sống