Thoái hóa khớp vai là một bệnh lý về xương khớp, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bả vai và cánh tay. Để có hướng điều trị hiệu quả, người bệnh cần tìm hiểu những kiến thức về thoái hóa khớp vai, nguyên nhân và cách phòng tránh.
1. KHÁI QUÁT VỀ BỆNH THOÁI HÓA KHỚP VAI
Cấu tạo của vai
Vai được cấu tạo bởi 3 khớp chính:
– Khớp ức – đòn (sternoclavicular – SC joints): Đầu trong của xương đòn nối với xương ức.
– Khớp ổ chảo – cánh tay (glenohumeral – GH Joints): Là điểm nối giữa đỉnh của xương cánh tay và ổ chảo của xương bả vai.
– Khớp cùng vai đòn (acromioclavicular – AC Joints): Là điểm nối giữa xương đòn với xương bả vai.
Cấu tạo của khớp vai
Khớp vai là một khớp hoạt dịch, gồm: sụn khớp, khoang khớp, bao hoạt dịch, bao khớp và hệ thống các gân, cơ, dây chằng xung quanh. Đây là một trong những khớp quan trọng của cơ thể và thường xuyên phải cử động. Vì vậy, đây cũng là khớp dễ bị thoái hóa.
Thoái hóa khớp vai là bệnh gì?
Thoái hóa khớp vai là tình trạng tổn thương mạn tính ở sụn khớp và mô xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm và giảm lượng dịch khớp. Bệnh thường xảy ra ở khớp AC, gây ra những cơn đau mỏi khó chịu, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt.
Người bị thoái hóa khớp vai nếu không được điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như biến dạng khớp, vôi hóa khớp vai, tê liệt cổ, vai, lưng…
2. TRIỆU CHỨNG
Để phát hiện kịp thời các triệu chứng của thoái hóa khớp vai, người bệnh cần chú ý đến sức khỏe của mình để có biện pháp điều trị từ sớm. Thông thường, thoái hóa khớp vai sẽ có các triệu chứng sau:
Đau khớp vai
Người bệnh thường xuất hiện những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội, nặng hơn khi vận động và giảm lúc nghỉ ngơi. Đau nhức xảy ra tại khớp vai sau đó lan xuống bả vai, ức và cổ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Sưng khớp vai
Khớp vai khi bị viêm, các bộ phận gần khớp sẽ bị tổn thương theo gây ra hiện tượng sưng và nóng hơn bình thường ở các mô mềm xung quanh. Người bệnh nhận thấy rõ khi sờ nắn.
Cứng khớp vai
Cùng với hiện tượng sưng đau, người bị thoái hóa khớp vai còn có cảm giác cứng xung quanh khớp vai, giảm sự linh hoạt của đôi vai, thậm chí gây bất động nếu bệnh tiến triển nặng.
Dấu hiệu này rất dễ nhận biết khi người bệnh cố gắng vận động cánh tay hoặc cử động đôi vai, cảm giác đau và tê cứng, khó khăn khi vòng tay qua phía sau, nhấc cánh tay, xoay bả vai…
Phát ra tiếng kêu
Khi xoay vai có thể nghe thấy tiếng kêu “lục khục”, là dấu hiệu cảnh báo tình trạng giảm thiểu dịch ổ khớp, sụn khớp đã bị bào mòn và xương không được bảo vệ tạo ra sự ma sát.
Hạn chế vận động
Thoái hóa khớp vai làm hạn chế khả năng cử động như xoay vai, giơ tay lên cao hoặc cúi xuống…
Giai đoạn đầu khi mới bị bệnh do chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động nên nhiều người không chú ý. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn thì các cơn đau, tê, cứng sẽ xuất hiện thường xuyên, nhất là khi người bệnh hoạt động với cường độ cao.
Vai yếu và teo cơ
Nếu bạn bị thoái hóa khớp vai, bạn sẽ cảm thấy vai của mình yếu đi. Trong trường hợp bệnh đã tiến triển thì vai còn bị teo cơ, không còn rắn chắc như bình thường.
Viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là một trong những bệnh cơ xương khớp khá phổ biến hiện nay. Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận động của hai tay, viêm quanh khớp vai còn dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
3. NGUYÊN NHÂN GÂY THOÁI HÓA KHỚP VAI
Cũng giống như các bệnh lý về xương khớp khác, có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai. Việc tìm ra được nguyên nhân sẽ giúp cho người bệnh có hướng điều trị kịp thời.
Tuổi tác
Theo thời gian, càng lớn tuổi chúng ta càng phải đối mặt với bệnh thoái hóa xương khớp. Đối với bệnh thoái hóa khớp vai thường xảy ra ở những người từ 40 tuổi trở lên.
Dị tật bẩm sinh
Một số người sinh ra có cấu trúc xương kém làm gia tăng nguy cơ bị trật khớp vai, lâu dần dễ dẫn đến thoái khóa. Các yếu tố bẩm sinh khác hoặc viêm khớp nhiễm trùng cũng làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh này.
Chấn thương
Trật khớp, gãy xương, tập luyện quá sức hay chấn thương trong quá trình lao động, tập luyện thể thao có thể gây tổn thương cho khớp vai, lâu ngày dẫn tới bị viêm nhiễm và thoái hóa.
Thói quen sinh hoạt và lao động
Công nhân, lao động thường xuyên phải mang vác nặng là đối tượng dễ bị tổn thương do khớp vai phải chịu nhiều áp lực. Xương và sụn khớp vai ngày càng chịu nhiều sức ép, lâu dần bị bào mòn và sinh ra đau nhức, thoái hóa.
Ngồi làm việc lâu hoặc nằm ngủ sai tư thế, chế độ ăn uống thiếu khoa học, hút nhiều thuốc lá, sử dụng nhiều rượu, bia và các chất kích thích cũng là nguyên nhân gây thoái hóa.
Giới tính
Một số trường hợp mắc bệnh là do sự thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ.