Viêm khớp dạng thấp là một bệnh xương khớp khá phổ biến, không chỉ gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy nguyên nhân bệnh là do đâu? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây.
1. VIÊM KHỚP DẠNG THẤP LÀ GÌ?
Viêm khớp dạng thấp còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên. Sách Bệnh học nội khoa định nghĩa: “Viêm đa khớp dạng thấp là căn bệnh viêm xảy ra ở nhiều khớp, đặc biệt là bàn tay, bàn chân, gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn. Bệnh có diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính hoặc biến dạng các khớp.”
2. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị tấn công. Hệ thống miễn dịch đóng vai trò nhận diện và loại bỏ các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể nhưng lại tấn công nhầm vào các khớp xương, dẫn đến hệ quả là các khớp xương bị viêm nhiễm, sưng, đau và xơ cứng.
Một số yếu tố dẫn đến tình trạng rối loạn miễn dịch, làm khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
Yếu tố bệnh lý:
– Yếu tố di truyền: Người trong gia đình có thành viên mắc viêm khớp dạng thấp thì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh
– Hệ thống miễn dịch: Có đến 70% người mắc bệnh đều có hệ miễn dịch kém
– Nhiễm khuẩn: Tiếp xúc với một số vi khuẩn, virus gây bệnh như epstein- barr virus, pravo virus.
– Có tiền sử chấn thương ở tay chân như gãy xương, trật khớp, tổn thương dây chằng.
Yếu tố sinh lý:
– Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn gấp 2-3 lần nam giới
– Người tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi
– Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh
– Thừa cân, béo phì.
3. TRIỆU CHỨNG BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Theo tiêu chuẩn của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR), bệnh nhân có thể được chẩn đoán là mắc viêm khớp dạng thấp khi có từ 4/7 triệu chứng sau (biểu hiện trong khoảng 6 tuần đầu của bệnh):
– Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
– Sưng đau kéo dài tối thiểu 3 khớp trong số các khớp sau: khớp ngón bàn tay, khớp bàn tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn chân, khớp ngón chân.
– Sưng đau 1 trong 3 vị trí: khớp ngón tay, khớp bàn tay, khớp cổ tay
– Sưng khớp đối xứng
– Có hạt dưới da
– Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính
– Hình ảnh X quang điển hình chụp tại vị trí khớp bị tổn thương.
Ngoài ra, mỗi giai đoạn của bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ có những biểu hiện khác nhau:
– Giai đoạn sớm: Viêm màng khớp dẫn tới sưng và đau tại các khớp.
– Giai đoạn giữa: Có sự gia tăng tác động viêm, sụn khớp bắt đầu bị tổn thương và dẫn tới bào mòn sụn khớp.
– Giai đoạn nặng: Sụn khớp bị xói mòn nhiều, đầu khớp xương không còn được bảo vệ mà lộ ra. Khi người bệnh vận động, các đầu khớp xương sẽ va vào nhau, gây đau đớn, sưng tấy, khó khăn vận động, cứng khớp vào buổi sáng, suy nhược cơ thể, teo cơ…
– Giai đoạn cuối: Quá trình viêm giảm đi, hình thành các mô xơ và xương chùng, dẫn tới ngừng chức năng khớp
4. ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Người cao tuổi
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất bắt đầu trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi, do đây là thời kỳ xương khớp dễ bị thoái hóa.
Người bị béo phì
Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở người béo phì cao gấp 5 lần so với bình thường do bệnh về động mạch vành, mạch máu thường bị co hẹp dẫn tới tình trạng máu khó lưu thông.
Người làm việc trong môi trường ẩm thấp
Những người thường xuyên làm việc trong môi trường giá lạnh hoặc ẩm thấp, tiếp xúc với nước nhiều cũng dễ mắc bệnh hơn.
Giới tính
Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới
Di truyền
Nếu trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh với những thành viên còn lại.